LOVE IS LOVE
Vì mọi tình yêu đều bình đẳng
Tính đến hôm nay
Đã có
chữ ký ủng hộ
200.000
Nhân dịp này, hãy cùng Đại sứ Anh Iain Frew, Phó Tổng Lãnh sự Anh Will Lawrenson, ca sỹ Mỹ Linh, nhà thiết kế Adrian Anh Tuan & Son Doan tham gia vào chiến dịch Tôi Đồng Ý để đóng góp chữ ký ủng hộ cho hôn nhân cùng giới tại Việt Nam!
#ToiDongY #UKPride2024 #GREATLove #SeeThingsDifferently #NoOneLeftBehind
Hôn nhân là sự gắn kết của người với người. Chỉ cần là hai tâm hồn đồng điệu và tự nguyện gắn kết bằng sự chân thành, mọi khác biệt về giới tính hay gia cảnh, kinh tế, văn hóa không thể là khuôn mẫu cản trở hạnh phúc của bất cứ ai. Không một khuôn mẫu chung nào có thể áp đặt cho mọi hôn nhân.
Vì bất cứ cuộc hôn nhân nào cũng có thể tự tạo nên dáng hình riêng cho chính mình. Ta từng nghe rất nhiều về chiến thắng của tình yêu và hôn nhân trước những khác biệt về gia cảnh, văn hóa, kinh tế. Nhưng tại sao khác biệt về giới tính lại chưa thể vượt qua? Hôn nhân ngày nay nên có nhiều mẫu hình đa dạng hơn bao giờ hết để đáp ứng mưu cầu yêu thương và cam kết của con người.
Hãy cùng mở rộng góc nhìn về hôn nhân, bắt đầu từ việc tháo gỡ khuôn mẫu giới tính trong hôn nhân hợp pháp.
Hôn nhân cùng giới là trái với tự nhiên, sẽ gây sụt giảm dân số.
Trẻ con lớn lên trong gia đình cùng giới sẽ thiệt thòi lắm.
Hôn nhân cùng giới theo phong trào, làm sao có thể lâu bền?
Hôn nhân cùng giới là trái với truyền thống, không đem lại lợi ích gì cho đất nước. Người LGBT nên đóng góp nhiều hơn trước khi đòi hỏi như vậy.
Trên thực tế, việc kết đôi cùng giới hoàn toàn là một hiện tượng tự nhiên và phổ biến ở nhiều loại động vật, trong đó có con người. Theo một nghiên cứu trên tạp chí Nature (2019), “hành vi tình dục cùng giới đã được ghi nhận ở hơn 1500 loài động vật khác nhau, với sự phân bố ở hầu hết các nhánh động vật”. Trong xã hội loài người, các hình thức kết hôn cùng giới không phải là một hiện tượng xuất hiện trong thời gian gần đây, mà đã được ghi nhận xuyên suốt lịch sử ở nhiều quốc gia khác nhau (nghiên cứu của Lahey & Alderson, 2004). Về mặt y khoa, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong Phân loại Bệnh Quốc tế (ICD) năm 1990 đã chính thức loại bỏ đồng tính ra khỏi danh sách các bệnh tâm thần, và công nhận đây là một hình thái tự nhiên của tính dục con người. Tính tới năm 2022, đã có 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới công nhận hôn nhân cùng giới. Trong các quốc gia này, chưa có một nghiên cứu được bình duyệt nào có thể chứng minh việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới có ảnh hưởng tiêu cực tới dân số. Hơn nữa, đây không phải là lí do phù hợp để không công nhận hôn nhân của các cặp đôi cùng giới, khi các cặp đôi khác giới vô sinh, gặp khó khăn khi sinh con hoặc không muốn sinh con đều không gặp khó khăn khi kết hôn.
Kết quả từ các nghiên cứu về quan hệ chung sống và gia đình của người LGBT tại Việt Nam đều đã cung cấp bằng chứng về các quan hệ tình cảm gắn kết lâu dài của người LGBT. Một nghiên cứu năm 2019 với người tham gia đa phần ở nhóm tuổi trẻ cho thấy gần 20% người trả lời đang ở trong quan hệ kéo dài từ 4 năm trở lên. Tỉ lệ này lên tới gần 73% với nhóm trong độ tuổi từ 35 trở lên, cho thấy phần lớn người LGBT ở độ tuổi trưởng thành đang ở trong mối quan hệ tình cảm dài lâu. Các cuộc phỏng vấn cặp đôi LGBT cho thấy cuộc sống lứa đôi của họ đều cần có cam kết, trách nhiệm, sự sẻ chia và hy sinh để duy trì một gia đình bền lâu. Với những cặp đôi có con, đứa trẻ chính là sợi dây gắn kết mối quan hệ ngày càng bền chặt. Trong thực tế khi không có những hình mẫu trên truyền thông để làm quy chuẩn cho sự gắn kết, các cặp đôi LGBT tại Việt Nam đều rất tự nhiên gắn kết và xây dựng gia đình như rất nhiều cặp đôi khác giới, cho thấy những giá trị tốt đẹp của sự chung thủy, tính cam kết và hy sinh cho gia đình đều hiện diện ở các cặp đôi này, bất kể giới tính. Ngược lại, việc không chung thủy hay đổ vỡ trong hôn nhân có thể xảy ra với tất cả các cặp đôi, bất kể giới tính. Tuy nhiên, chỉ có hôn nhân cùng giới là không được pháp luật công nhận. Dù gặp nhiều khó khăn, các cặp đôi cùng giới vẫn đang kết đôi, xây dựng gia đình và mưu cầu hạnh phúc trên khắp Việt Nam. Việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới sẽ là những hỗ trợ quý giá cho họ trên hành trình này.
Trẻ em lớn lên trong các gia đình cùng giới không chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cha mẹ của chúng so với trẻ em lớn lên trong gia đình khác giới (nghiên cứu của Stacey & Biblarz, 2001). Tuy nhiên, những trẻ này có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường kỳ thị, phân biệt đối xử với cha mẹ chúng. Những tác động tiêu cực này có thể được giảm thiểu bằng việc có được một môi trường thân thiện và cởi mở hơn với người LGBT và gia đình họ, và việc công nhân kết hôn cùng giới tại Việt Nam sẽ đóng góp không nhỏ trong việc tạo ra một môi trường như vậy. Hơn nữa, việc hiểu và tôn trọng người LGBT là trách nhiệm của mỗi chúng ta, và không nên là lí do để ngăn cản các cặp đôi LGBT trong hành trình xây dựng gia đình. Một trong những nghiên cứu đầu tiên về gia đình của người tại LGBT tại Việt Nam (iSEE, 2022) cũng đã chỉ ra những nỗ lực làm cha mẹ của các cha mẹ LGBT, các giá trị gia đình mà họ xây dựng, cùng các thành quả từ việc nuôi dạy con đều tương tự những người cha mẹ khác. Hơn nữa, hành trình làm cha mẹ của người LGBT gặp nhiều thách thức hơn do hôn nhân của họ không được công nhận, cũng như những cản trở từ xã hội hay gia đình của họ. Tuy vậy, nhiều người trong nghiên cứu cho biết khao khát có con luôn tồn tại trong họ, những khao khát này được dung dưỡng, lớn dần theo thời gian, theo sự trưởng thành và ổn định. Họ vẫn đang thầm lặng thực hiện mong muốn này của mình, và sự công nhận của cộng đồng và pháp luật sẽ là một sự ủng hộ vô gía cho họ. Xã hội Việt Nam đang ngày càng cởi mở hơn với những hình mẫu gia đình không truyền thống – cha mẹ đơn thân, cha mẹ ly hôn cùng nuôi con hay các gia đình cùng giới. Với tất cả mọi người, việc nuôi dạy con cái là một hành trình nhiều chông gai và cũng nhiều quả ngọt. Những gia đình không truyền thống cũng xứng đáng nhận được sự hỗ trợ và ủng hộ trên hành trình ý nghĩa này.
Kết quả nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) và Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) năm 2022 chỉ ra rằng việc hợp pháp hoá hôn nhân cùng giới có thể mang lại cho Việt Nam từ 1,65% đến 4,36% gia tăng trong GDP mỗi năm do năng suất lao động của người LGBT được cải thiện. Bên cạnh đó, việc người LGBT được công nhận như những thành viên bình đẳng của xã hội cùng sự gia tăng trong năng suất lao động của họ sẽ dẫn đến sự ra đời của “khu vực kinh tế LGBT”. Hai tác động trên là tiền đề để Việt Nam cải thiện kết quả cạnh tranh quốc gia do sự gia tăng trong năng suất lao động là thành tố quan trọng trong quyết định đầu tư của các nhà đầu tư, trong bối cảnh các quốc gia châu Á chưa công nhận hôn nhân cùng giới. Cũng theo nghiên cứu trên, việc công nhận hôn nhân cùng giới có thể mang lại nhiều tác động vĩ mô. Một trong số đó là việc người LGBT được kết hôn có thể gia tăng số trẻ em được sinh ra (bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản) hoặc nhận nuôi, giúp cải thiện tốc độ gia tăng dân số tự nhiên cũng như tăng chất lượng dân số thông qua việc đảm bảo những trẻ em này được nuôi dạy và lớn lên trong môi trường gia đình ổn định và thịnh vượng. Số liệu từ Ngân hàng Thế giới (2021) cũng chỉ ra các nước đã công nhận hôn nhân cùng giới không ghi nhận sự sụt giảm dân số. Các ngành công nghiệp có liên quan đến tổ chức tiệc cưới và xây dựng gia đình có thể gia tăng trong doanh thu từ 5,26% đến 12,36%. Điều này là do yếu tố quyết định việc người LGBT có tiêu dùng hàng hoá của các ngành này hay không phụ thuộc vào việc họ có được những quyền pháp lý nhất định hay không, cụ thể là quyền kết hôn. Người LGBT đã và luôn là một phần không thể tách rời của xã hội, với những đóng góp trong nhiều lĩnh vực ở nhiều mức độ khác nhau. Sự kỳ thị xã hội cũng như những quy định pháp lý chưa bảo vệ quyền của người LGBT đang khiến phần lớn người LGBT chịu nhiều bất lợi và chưa phát huy được hết tiềm năng của mình. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng việc hợp pháp hoá hôn nhân cùng giới sẽ giúp gia năng suất lao động của người LGBT, thông qua việc giảm các bất lợi như kỳ thị xã hội hay việc không được kết hôn và xây dựng gia đình một cách hợp pháp. Riêng việc tăng năng suất này có thể mang lại cho Việt Nam từ 1,65% đến 4,36% gia tăng trong GDP mỗi năm.