HỎI VÀ ĐÁP

CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

VỀ TÌNH HÌNH PHÁP LÝ

Các quốc gia khác trên thế giới có công nhận hôn nhân cùng giới không?
Tính đến năm 2024, hôn nhân cùng giới đã được hợp pháp hóa ở 36 quốc gia, có tổng dân số khoảng 1 tỷ người (17% dân số thế giới). Thảo luận về Hôn nhân cùng giới đang diễn ra trên nhiều diễn đàn, từ cấp độ quốc gia đến các tổ chức cộng đồng, nhóm chuyên gia, và các cá nhân.

Hiện nay tình hình pháp lý về hôn nhân cùng giới ở Việt Nam như thế nào?
Sau khi Luật Hôn nhân và Gia đình được sửa đổi vào năm 2014, hôn nhân giữa hai người cùng giới tính đã không còn bị cấm ở Việt Nam nhưng vẫn không được công nhận. Khi thiếu đi sự thừa nhận từ pháp luật, họ không có những quyền đương nhiên như: 

  • Không có quyền bảo hộ hợp pháp cho bạn đời trong các tình huống khẩn cấp về y tế, xác thực nhân thân, các vấn đề hộ tịch 
  • Không có quyền thừa kế theo pháp luật, không thể xác lập quyền sở hữu chung tài sản trong thời gian chung sống
  • Không có quyền nhận nuôi con chung 
  • Không có quyền cùng bảo hộ hợp pháp cho con chung (như đăng ký học, đưa ra quyết định y tế cho con,…) 
  • Khó khăn trong việc giải quyết tài sản chung và xác định quyền nuôi con (nếu có) khi chấm dứt mối quan hệ.

Đây chỉ là một số ví dụ trong số rất nhiều những thiệt thòi mà các cặp đôi LGBTI+ Việt Nam phải chịu khi chưa hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới. 

Tại sao cần hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới?
Hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới là một vấn đề về quyền con người. Mọi người đều có quyền được yêu thương, được xây dựng gia đình và được đối xử bình đẳng trước pháp luật. 
Hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới là để mọi gia đình đều có thể được nhận hỗ trợ và phúc lợi (như bảo hiểm, quyền nuôi con,…), yên tâm trở thành những “tế bào” khỏe mạnh của xã hội Việt Nam.

VỀ QUAN ĐIỂM XÃ HỘI

Cặp đôi cùng giới làm sao có thể lâu bền?
Hôn nhân cùng giới, cũng như hôn nhân khác giới, đều dựa trên tình yêu và sự cam kết gắn bó lâu dài. Tôi Đồng Ý cũng đã kể rất nhiều câu chuyện về các cặp đôi đã bên nhau hàng chục năm đó, ghé thăm trang Facebook chính thức của Tôi Đồng Ý để đọc nhé!

Hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới có thể đóng góp gì cho đất nước?
Kết quả nghiên cứu năm 2022 chỉ ra rằng việc hợp pháp hoá hôn nhân cùng giới có thể mang lại cho Việt Nam từ 1,65 – 4,36% gia tăng trong GDP mỗi năm do năng suất lao động của người LGBT được cải thiện! Đây chỉ là một trong rất nhiều những tác động tích cực mà việc hợp thức hóa Hôn nhân cùng giới sẽ mang lại cho nước ta.

Trẻ em lớn lên trong gia đình cùng giới có thiệt thòi hơn so với các bạn cùng trang lứa?
Trẻ em lớn lên trong gia đình cùng giới hoàn toàn không chịu ảnh hưởng tiêu cực so với các trẻ em khác. Tuy nhiên, chính việc thiếu vắng sự công nhận về mặt pháp lý có thể là nền tảng gây nên sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với các gia đình cùng giới và con cái của họ. 

CHIẾN DỊCH VỀ TÔI ĐỒNG Ý

Tôi có thể đóng góp cho việc thúc đẩy hôn nhân cùng giới tại Việt Nam như thế nào?
Ngay từ hôm nay, bạn có thể góp phần thúc đẩy Hôn nhân cùng giới tại Việt Nam, chỉ từ những hành động nhỏ nhất!

  • Ký tên ủng hộ chiến dịch: Chỉ bằng vài bước đơn giản, bạn đã có thể đóng góp tiếng nói ủng hộ của mình thông qua website Tôi Đồng Ý tại đây.
  • Lan tỏa thông tin của chiến dịch tới vòng tròn kết nối của bạn: Thêm một người biết tới, thêm một tiếng nói ủng hộ là thêm nhiều động lực cho tiến trình hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới ở Việt Nam; hãy chung tay chia sẻ thêm thông tin về chiến dịch tới vòng tròn bạn bè, người thân của bạn bằng cách kết nối họ với những kênh thông tin chính thức của Tôi Đồng Ý.
  • Chia sẻ câu chuyện trên các nền tảng truyền thông của Tôi Đồng Ý: Hãy tham gia chia sẻ câu chuyện tình yêu, hôn nhân và gia đình trên các nền tảng của Tôi Đồng Ý; mỗi câu chuyện của bạn đều sẽ làm góc nhìn về LGBTI+ tại Việt Nam thêm phần đa dạng.
  • Tham gia các hoạt động của Tôi Đồng Ý: Tôi Đồng Ý liên tục tổ chức các hoạt động tại nhiều địa phương, hãy theo dõi các kênh thông tin chính thức để không bỏ lỡ sự kiện nào nhé! Nếu có thể, hãy kết nối các cặp đôi và gia đình LGBTI+ với chiến dịch Tôi Đồng Ý.
  • Đồng hành với tư cách đối tác chiến dịch: Nếu bạn là đại diện tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức của bạn cũng có thể đồng hành cùng Tôi Đồng Ý trong nhiều sự kiện và hoạt động truyền thông khác nhau, cũng như chia sẻ các nguồn lực khác. 

Tôi có thể tìm hiểu thêm về Tôi Đồng Ý và các vấn đề LGBTI+ khác như thế nào?
Để biết thêm về chiến dịch, bạn có thể theo dõi các kênh truyền thông chính thức của Tôi Đồng Ý trên Facebook và TikTok.
Để tìm hiểu thêm về số liệu, nghiên cứu về các vấn đề LGBTI+ nói chung, bạn có thể truy cập thuvien.lgbt.